95 / 100

Hành trình đáng nhớ ở vườn quốc gia Núi Chúa – và những điều cần chuẩn bị khi lần đầu leo núi ở Núi Chúa

Trong tất cả các hành trình khám phá dọc miền tổ quốc và riêng Ninh Thuận của Vinh. Thì có lẽ Núi Chúa là một trong những nơi đáng để nhắc đến nhất và cũng là một trong những hành trình em Vinh nhớ nhất khi kể về hành trình đầy chông gai.

Vậy điều gì ở hành trình Núi Chúa khiến Vinh lại nhớ như vậy ?

Nếu nói leo núi là một trải nghiệm thì phải bổ sung thêm leo núi đúng nghĩa nên là 1 thử thách cho chính bản thân người leo núi và những người đi cùng, vì đối với cả người leo hay bạn đồng hành, chỉ cần một người bỏ cuộc là cả đoàn sẽ bỏ cuộc.

Đợt hành trình leo Núi Chúa ấy nhóm Vinh gồm 6 người ( 5 nam và 1 nữ ). Leo vào đúng dịp tháng 10 của Ninh Thuận, là thời điểm chuyển mùa của mùa mưa và mùa nắng. Sở dĩ leo vào mùa này là vì theo lời anh Ngon là nhân viên của VQG nói rằng đây là thời gian đẹp nhất để ngắm toàn bộ Núi Chúa.

Cả hành trình này qua 3 đoạn đường với tổng chiều dài hành trình đi – về 30km :

  • Đoạn 1 : Đường bộ băng qua ruộng bật thang đường bê tông xuyên qua khu sinh sống của cộng đồng người Raglai
  • Đoạn 2 : Đường dốc được làm bật thang bằng đá có chiều dài khoảng 5km
  • Đoạn 3 : Đường mòn dốc cao, xuyên vào rừng và lên đỉnh núi

Phải nói hành trình này là một trong những hành trình khiến Vinh phải nhớ nhất, lần ấy khi cả nhóm có 1 chị nữ đi cùng, với thể trạng của 1 người nữ thì việc di chuyển liên tục cho khoảng hơn 10 km thì là điều khó có thể. Mỗi lần chị mệt thì team phải động viên rất nhiều, điều này ảnh hưởng ít nhiều đến ý chí chiến thắng cung đường của mọi người.

Khi cả nhóm đi được 1/3 chặn đường là một con suối nhỏ, ở đây nhóm đã dừng chân và ăn trưa bên cạnh dòng suối mát lạnh, hôm nay là một ngày nắng đẹp, bầu trời trong xanh và tiếng thú rừng hót líu lo..

Xa xa bên cạnh dòng suối thỉnh thoảng gặp vài cô chú người đồng bào Raglai đang đi nương về, địu con ở trước và đeo cả gùi trái mãng cầu sau lưng, dáng người thon gọn bé tí vậy mà lại có cả sức mạnh khổng lồ có thể gồng gánh cả 1 khối lượng gần 50kg trên người đi cả quảng đường núi hơn chục cây số.

Tiếng suối róc rách, kèm với bữa ăn nhẹ nhưng nhờ đi nhiều và mệt nên ăn rất ngon.. phải nói đây là những bữa ăn ngon nhất của Vinh trong những lần đi rừng.

Ăn trưa trên đường lên đỉnh Núi Chúa
Ăn trưa trên đường lên đỉnh Núi Chúa ( anh Ngon và chị Uyên cùng đoàn )

Cả đoàn lại tiếp tục hành trình khám phá đỉnh Núi Chúa bằng đoạn đường thứ 2 là đường dốc được xây bằng bậc thang đá, dọc đường a Ngon chia sẽ về hệ sinh thái của Núi Chúa và cả cuộc sống của những người làm việc ở VQG Núi chúa.

Chẳng thể tin được khi mà cách tận 7 -8km đường núi khi mà vẫn còn tồn tại những ruộng bậc thang ở phía xa xa lọt thỏm bên trong thung lũng nhỏ, bên cạnh là 1 2 ngôi nhà sàn để ngủ lại canh ruộng.. người đồng bào Raglai ở đây vẫn còn sống cuộc sống như vậy sao?

Ruộng bậc thang bên trong thung lũng Núi Chúa
Ruộng bậc thang bên trong thung lũng Núi Chúa

Là nơi lưu trữ sinh quyển độc đáo của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, VQG Núi Chúa có tổng cộng 7 tầng rừng với 7 hệ sinh thái khác nhau, mỗi hệ sinh thái tượng trưng cho 1 cao độ của chiều cao Núi Chúa, bên trên và bên dưới mỗi tầng rừng lại có thêm vài động vật, thực vật độc đáo mà chỉ nơi đó mới có.

Tuy nhiên, điều khiến Núi Chúa trở nên đặc biệt đó chính là 3 loài động – thực vật : Vọoc chà vá chân đen một trong những loại linh trưởng thuộc dạng quý hiếm đang nằm trong sách đỏ. Ngoài ra còn có 2 loại thực vật hiếm là các loài Lan rừng và cây thuốc độc đáo chỉ duy nhất Núi Chúa có là cây ” Xáo Tam Phân ” được mệnh danh là thần dược trị được 5 loại ung thư.

Rắn lục đang săn mồi tại Núi Chúa
Rắn lục đang săn mồi tại Núi Chúa

Có thể nói cung đường Núi Chúa là một trong những cung đường thử thách của nhiều dân leo vì độ khó từ địa hình, khí hậu, rồi cả những thứ vô hình bên trong VQG độc đáo này. Vì là vườn quốc gia nên có rất nhiều loại động vật kể cả rắn, rết là điều không thể tránh khỏi vậy nên tốt nhất hãy trang bị những kiến thức về rắn khi đi rừng hoặc ít nhất hãy mặt quần áo giúp bảo hộ tốt ở các khu vực nhạy cảm dễ bị cắn như bao tay – áo dài tay  – dày ống cao, quần dài dày ống rộng giúp vận động dễ dàng hơn.

Thời tiết bắt đầu chuyển giao dần khi càng về chiều thì trời càng nhanh tối và nhiều mây đen, đoàn bắt đầu đón những hạt mưa đầu tiên, và nặng dần khi cả nhóm vừa đi hết 2/3 chặng đường, bước chân vào con đường mòn đầy bùn đất và trơn trượt, lúc thì trượt té, lúc phải tập trung nắm vào dây thừng cùng nhau để vượt qua những đoạn dốc tưởng chừng dựng đứng như vách tường nhà.

Con đường đi dường như dài ra thêm khi có cả sự góp mặt của những hạt mưa, cả đoàn ai cũng ướt và ai cũng mệt, nhưng rất vui. Sau chặng đường dài cuối cùng cũng đến được địa điểm cắm trại có tên gọi là thung lũng Ô Lim, một thung lũng nhỏ nhắn nằm sau trong lòng Núi Chúa.

Thung lũng Ô Lim giữa lòng Núi Chúa
Thung lũng Ô Lim giữa lòng Núi Chúa

Nhóm dựng trại tại đây ngủ 1 đêm để mai sáng đón bình minh ở đỉnh Núi Chúa. Anh Ngon chọn 1 vị trí bằng phẳng, bên cạnh con suối Ô Lim nhỏ nhắn và róc rách, tiếng mưa rơi bên cạnh tiếng suối kêu róc rách cứ làm cho con người ta cảm thấy sản khoái đói bụng bên trong cái thời tiết lạnh se se này.

Tối đó cả nhóm đã cùng tắm, cùng bắt cá suối, cùng nướng gà và làm vài ly rượu với nhau. kẻ nói chuyện, người nghe, đứa nướng gà, đứa rót rượu.

Tiếng mưa mơi nặng hạt dần về khuya khi mà càng nằm trong lều thì tiếng suối ngày càng to hơn to hơn. Có cảm giác rằng lúc ấy con suối đã to ra gấp 2 3 lần, rồi bỗng Vinh cảm giác được dưới chân lạnh lạnh và lại bồng bềnh…. Giật mình tỉnh dậy và phát hiện xung quanh lều mình toàn là nước, đến cả bên trong lều mình cũng toàn là nước mất rồi…Nguy hiểm

Hoá ra con suối Ô Lim vốn êm đềm hiền dịu lại không như vẻ ngoài của nó khi mà đó là con suối đầu nguồn bắt đầu cho rất nhiều nhánh suối khác chảy về vịnh Vĩnh Hy. Và do nằm bên dưới thung lũng nên con suối là nơi tập trung của tất cả nước mưa đổ về ở phía thượng nguồn. Thật bất ngờ khi nếu trể 1 tí nữa là cả nhóm đã không còn cơ hội dọn dẹp hành lý mà bị cuốn trôi theo dòng suối trong khi vẫn đang mắc kẹt bên trong chiếc lều.

Dọn cả hành lý và lều ra chổ an toàn, chiếc lều giờ nặng cả vài chục ký vì thấm rất nhiều nước, đến cả chiếc chăn mà em Vinh đang đắp ngủ và cả quần áo cũng bị ướt hết vì nước trong lều làm ước cả ba lô. Cả nhóm xơ xác và ngồi chụm lại bên dưới chiếc tăng bạc che mưa thỉnh thoảng lại rơi xuống vài giọt ở những chổ bị lủng lổ.

Cố gắng giữ lại cho mình những ánh lửa hi vọng. Giờ đây mọi thứ xung quanh đều quá lạnh lẽo và ướt át đến nổi những que củi đang cháy cũng bị ảnh hưởng vì mưa quá nhiều.. Cả nhóm chỉ biết dùng vài hớp rượu để giữ ấm cơ thể, thỉnh thoảng lại hà hơi thổi lửa để giữ hi vọng và cũng giữ nốt hơi ấm duy nhất xung quanh.

Nơi nhóm cố gắng chống chọi qua đêm lũ ở Núi Chúa
Nơi nhóm cố gắng chống chọi qua đêm lũ ở Núi Chúa

Sáng hôm sau, vì đợt lũ này quá mạnh nên a Ngon đã quyết định bỏ ngang hành trình để trở về mặc dù biết rằng đỉnh Núi Chúa chỉ còn vài cây số. Vì a biết nếu đi tiếp thì cả nhóm sẽ gặp nhiều nguy hiểm.

Dọn hành lý, chiếc ba lô của Vinh như nặng thêm vài ký vì khối lượng nước trong quần áo và chăn, đôi giày bị ướt cũng làm cho đôi chân cảm thấy không thoải mái với những bước đi trơn trượt.. Đoạn về mà như là hành quân vì đường vừa trơn trượt, ẩm ướt có thể gặp rắn và rết bất kì lúc nào. Đôi chân thì bị xay xác vì giày ướt và rách dọc đường, đôi vai thì nặng trĩu vì balo đã bị đứt khi mang quá nặng bởi nước làm ướt hành lý.

Sau khi trải qua 1 đêm sóng gió
Khuôn mặt mệt mỏi sau khi trải qua 1 đêm sóng gió

Trở về với vườn nho và cánh đồng, nơi mà đã ngập trắng sau 1 đêm lũ lớn. Vinh thầm cảm ơn mọi người đã cho mình trở lại với cuộc sống. Thực sự quá may mắn để nói lên được đây là hành trình đáng nhớ nhất.

Đôi khi có những trải nghiệm chúng ta có thể làm nhiều lần, nhưng đôi khi trải nghiệm chỉ cần 1 lần cũng có thể khiến ta không còn cơ hội nữa, vậy nên hãy chuẩn bị sẵn sàng những điều sau khi mọi người muốn đi leo núi Núi Chúa nhé :

  • Kiến thức về sinh tồn, cắm trại, đi rừng đầy đủ
  • Trang bị gọn nhẹ, bền bỉ, đặt biệt chuẩn bị cho mùa mưa nên có đầy đủ dụng cụ tránh mưa
  • Chuẩn bị trang bị đi rừng đầy đủ như Dao đi rừng, dây dù loại chống cắt siêu nhẹ, bật lửa chống nước.
  • Luôn luôn dự trữ các loại thuốc trị côn trùng, bò sát cắn, rắn, và thuốc hạ sốt giảm đau
  • Thể lực bền bỉ
  • Ý chí mạnh mẽ không được từ bỏ

Đặc biệt, hãy lựa chọn các chương trình trải nghiệm phù hợp với bản thân để không ảnh hưởng đến trải nghiệm và sức khoẻ nhé. Để được tư vấn cụ thể khách yêu có thể nhắn tin trực tiếp qua Fanpage : Tour em Vinh Ninh Thuận

Xem thêm : Bãi Tràng Mũi Dinh – Liệu checkin có đáng

Khám phá thêm các địa điểm du lịch hấp dẫn tại: : Go – khám phá Ninh Thuận

xem thêm : Bãi Thùng: “Nàng Tiên” thơ mộng tại Ninh Thuận

Tự thiết kế chương trình đi chơi Ninh Thuận của anh chị tại đây