94 / 100

Tháp Po Klong Garai hay còn gọi là Tháp Chàm là một khu di tích mang đậm lịch sử, bản sắc văn hoá người ChămPa xưa còn tồn tại trên mảnh đất hào hùng đầy nắng gió Phan Rang. Khi nhắc đến du lịch Ninh Thuận thì chắc hẳn rằng đây sẽ là một trong những địa điểm mà anh chị sẽ phải biết đến đầu tiên.

Tháp Po Klong Garai - Nét đẹp huyền bí

Lịch sử hào hùng gắn liền với tháp Po Klong Garai

Theo truyền thuyết của người ChămPa xưa, tháp Po Klong Garai được xây dựng nhằm mục đích thờ phượng vị vua có nhiều chiến công nhất đối với người Chăm và không ai khác đó chính là vua Po Klong Garai. Tháp được xây dựng vào những năm cuối thế kỉ 13 đầu thế kỉ 14.

Tháp Po Klong Garai gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của người Chăm, gắn liền với vùng đất Panduranga (tên gọi của vương quốc ChămPa xưa, kéo dài từ Bình Thuận cho đến Ninh Thuận ngày nay). Tổng cộng trong cụm tháp gồm 3 ngôi tháp riêng biệt: Tháp trung tâm (Kalan), Tháp cổng (Gopura) và Tháp nhà.

Tháp Po Klong Garai - Nét đẹp huyền bí
Tháp Po Klong Garai – Nét đẹp huyền bí

Khám phá kiến trúc tháp Po Klong Garai

Tháp được xây dựng hầu hết bằng gạch nung đỏ và được kết dính lại với nhau bằng dầu rái với đường nét hoa văn trên từng tháp được điều khắc một cách chi tiết và tỉ mỉ. Và các toà tháp trong cụm đều mang những hoa văn khác biệt, khi đến đây tham quan các anh chị sẽ phải há hốc mồm khi được tận mắt chứng kiến một trong những công trình kiến trúc cổ xưa tồn tại hơn 800 năm trên mảnh đất này.

Tháp Po Klong Garai
Tháp Po Klong Garai

Tháp trung tâm (KaLan)

Tháp trung tâm (KaLan) hay còn được gọi là Tháp chính – là tháp tâm điểm của kiến trúc tháp Po Klong Garai, được xây dựng ở vị trí trung tâm của ngọn đồi. Tháp cao khoảng 20m, thiết kế nhiều tầng với đế tháp là một khối hình hộp được xây bằng gạch nung. Cửa ra vào chính nằm ở phía Đông và 3 cửa giả nằm ở 3 hướng còn lại.

Ở hướng cửa chính, vòm cửa là khối đất nung được trang trí hoa văn móc xoắn, uốn cong hướng lên đỉnh vòm cửa và trên cùng của vòm cửa là viên đá chốt tạo hình búp sen. Điểm đặc biệt nằm phía bên trong vòm cửa khi được điêu khắc hình ảnh thần Siva, một vị thần linh thiêng của vùng đất Panduranga.

Các cửa giả cũng được những người nghệ nhân xưa chạm khắc tinh tế không kém cửa chính, diềm vòm cửa cũng giống như cửa chính được chạm khắc hoa văn móc xoắn và hướng lên trên đỉnh vòm cửa. Tuy nhiên, trong vòm cửa là hình ảnh các tu sĩ đang ngồi cầu nguyện trên bệ thờ.

Tháp cổng (Gopura)

Một trong những đền tháp phải nhắc đến trong cụm tháp Po Klong Garai đó chính là tháp Cổng, được xem như phiên bản “mini” của tháp chính cao 10m và nằm ở phía Đông của tháp chính.

Phần đế tháp được xây hình khối với kích thước khổng lồ, tháp mở hai cửa thông nhau đối xứng. Các cột ở các góc tháp không được trang trí hoa văn và để trơn, bộ mái tháp gồm 3 tầng thu nhỏ hướng lên trên các tầng cũng được xây dựng bằng đất nung và có điểm thêm vài hoạ tiết trang trí hình tháp góc.

Tháp nhà

Đền tháp cuối cùng trong cụm tháp Po Klong Garai là tháp nhà hay còn được gọi là tháp Lửa được xây dựng trước tháp thờ và chứa các đồ vật cần thiết trong việc thờ phụng và nghi lễ. Sở dĩ có tên gọi khác là tháp Lửa vì tháp này được xây dựng thờ thần Hoả (thần lửa Anhi).

Tháp nhà cao khoảng tầm 10m, dài 8m và rộng chừng 4m. Là đền tháp mang đậm kiến trúc của người ChămPa mang đậm nét văn hoá đặc trưng của người Sa Huỳnh. Trong lòng tháp hiện nay vẫn còn nguyên vẹn các bệ thờ từ xa xưa và đây cũng là tháp thờ cúng của các vị tu sĩ.

Lễ hội Kate tại tháp Po Klong Garai của người đồng bào chăm

Hằng năm, tại tháp Po Klong Garai sẽ thường diễn ra một số lễ hội của người đồng bào chăm, tiêu biểu nhất trong đó phải kể đến lễ hội Kate hay còn được gọi là tết Kate. Lễ hội Kate diễn ra vào ngày 1 tháng 7 tính theo lịch của người chăm (cuối tháng 6 âm lịch và khoảng tầm tháng 9, tháng 10 dương lịch).

Cứ vào đúng dịp lễ hội thì các người đồng bào chăm sẽ tập trung về tháp Po Klong Garai hay một số đền thờ khác như: Po Rome, Po Inư Nưgar để tổ chức lễ hội Kate. Lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, khi đến đây vào dịp lễ hội Kate anh chị sẽ được thưởng thức các điệu múa và hoạt động truyền thống của đồng bào người chăm theo tín giáo Bà la môn.

Ngoài ra tháp Po Klong Garai còn là nơi diễn ra một số các lễ khác: Lễ đầu năm (diễn ra vào tháng giêng lịch Chăm), Lễ cầu mưa (được tổ chức vào tháng 4 lịch Chăm), Lễ Chabun (tổ chức vào tháng 9 lịch Chăm).

Năm 1979, tháp Po Klong Garai được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng vào Di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia. Đây chính là niềm vui của người đồng bào Chăm tại Ninh Thuận nói riêng và người dân Ninh Thuận nói chung.

Lễ hội Kate tại tháp Po Klong Garai
Lễ hội Kate tại tháp Po Klong Garai

 

One thought on “Tháp Po Klong Garai: Nét đẹp huyền bí của người ChămPa xưa

  1. Pingback: Gốm Bàu Trúc: Nghệ thuật tinh tế và độc đáo của người Chăm tại Ninh Thuận - Xin chào Phan Rang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.