Tháp Po Rome hay còn được gọi là Pô Rô Mê. Tọa lạc trên một ngọn đồi nằm giữa hai quả núi thuộc địa phận thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Nằm cách thành phố Phan Rang khoảng 15 km về hướng Nam; cách trung tâm huyện Ninh Phước khoảng chừng 7km và quốc lộ 1A khoảng 6km về hướng Tây, cách ủy ban nhân dân xã Phước Hữu chừng 4,5 km.

Khi nhắc đến Ninh Thuận mọi người đều biết nơi đây là vùng đất đầy gió là thủ phủ của cây nho hay là nơi chăn nuôi những đàn dê, cừu lớn nhất tại Việt Nam. Ấy vậy mà là người con sinh ra và lớn lên tại nơi đây mình luôn ấn tượng và cảm thấy tự hào vì nơi đây không chỉ được mẹ thiên nhiên ban cho những tài nguyên, phong cảnh tuyệt đẹp mà còn có nhiều công trình kiến trúc mang đậm nền văn hóa Chăm.
Đến với Ninh Thuận nhiều du khách sẽ biết đến tháp Po klong Garai hay tháp Hòa Lai nhưng rất ít người lại biết đến công trình cổ – tháp Po Rome. Bạn có tò mò về ngôi tháp này, hãy cùng theo chân mình khám phá ngôi tháp cổ này nhé.
Vì sao lại có tên tháp Po Rome ?
Quay ngược về nhiều thế kỷ trước, theo như tài liệu ghi chép rằng tháp Po Rome được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII vào thời vua Po Rome (1627 – 1653). Tháp Po Rome được xây theo phong cách kiến trúc tương tự như tháp Po Klong Garai, nhưng không phải thờ thần mà là thờ vua Po Rome. Vì ông là người rất tài giỏi và có nhiều công lớn đối với nhân dân, vua được người Chăm tôn kính và xem đã hóa thần khi băng hà.
Tháp Po Rome là công trình cổ của người Chăm tại vùng Panduranga. Tuy rằng không được xây dựng cầu kỳ như tháp Hòa Lai và PoKlong Garai, nhưng được xây dựng bằng gạch đỏ nung tỉ mỉ, hùng tráng từ người Chăm xưa. Đặc biệt, tháp Po Rome là ngọn tháp còn nguyên vẹn nhất có giá trị lớn về mặt nghệ thuật kiến trúcdù đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh tàn phá.

Kiến trúc của tháp Po Rome như thế nào ?
Công trình gồm 2 tháp, tháp chính và tháp phụ. Trong đó, tháp chính là nơi thờ phụng vua Po Rome và hoàng hậu Po Bia Sancan. Tháp còn lại là tháp phụ thờ hoàng hậu Pra Sucih, đặc biệt gần tháp phụ còn là khu mộ táng của vua Po Rome.
Về ngôi tháp chính, đây ngôi tháp cao khoảng 8m, cạnh đáy rộng gần 8m, mặt chính của tháp quay về hướng Đông, trên cửa chính có các tầng hình vòng cung, dưới các hình vòng cung được trang trí bởi hình tượng thần Siva và hình ngọn lửa.
Ở các cửa giả có hình các vị thần bằng đá trong tư thế ngồi. Khi quan sát phần mái, đó là kiến trúc mái ba tầng, mỗi tầng có 4 tháp góc, trên đỉnh mỗi tháp góc có trang trí búp sen bằng đá và hình ngọn lửa. Đặc biệt trong mỗi hốc giả là hình ảnh một vị thần đang ngồi chắp tay trong tư thế cầu nguyện.
Cùng với đó là bên góc lối đi vào tháp có tượng thần bò Nadin được tạc từ một phiến đá xanh đen. Những hình ảnh này giống ngôi tháp chính của công trình tháp Po KLong Garai. Hình dáng và kích thước của tháp Po Rome hẹp và kéo dài theo chiều Đông Tây.
Bên trong nội thất là bài trí đơn giản của tượng thờ vua Po Rome cao 1,2m được tạc từ Linga 8 tay đặt trên một bệ gỗ. Gần với tượng vua Po Rome là tượng bán nữ thần hoàng hậu Po Bia Sancan cao khoảng 0,75m. Để lên đến tháp người tham quan phải trải qua hàng chục bậc thang được xây dựng bằng những khối đá lớn.

Tháp Po Rome được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1992. Tháp Po Rome là nơi được đồng bào Chăm thường xuyên tổ chức những lễ hội và ngày tết cổ truyền của dân tộc.
Một số lễ hội được tổ chức tại tháp Po Rome
- Lễ cầu đảo (Yuer yang) diễn ra vào tháng 4 Chăm lịch.
- Lễ Kate (Mbeng Katé) diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch.
- Lễ cúng tưởng nhớ người mẹ Xứ sở (Cambur) được tổ chức vào tháng 9 lịch Chăm.
- Lễ mở cửa tháp (Peh Mbeng Yang) diễn ra vào tháng 11 (Bilan Puis) Chăm lịch.


Ngược dòng lịch sử cùng tìm hiểu vì sao vua Po Rome lại được người dân yêu quý và được lập đền để thờ phụng
Theo trang “Thánh địa Việt Nam học”, Vua Po Romé là một vị vua lịch sử, thường xuất hiện trong các Biên niên sử của Champa, sau ngày từ trần với những công lao cho quê hương đất nước, ngài được nhân dân thần thánh hóa trở thành một vị thần mà người Chăm luôn phụng tế hằng năm.
Nhiều ghi chép tương truyền, Vua Po Rome xuất thân từ một gia đình có cha và mẹ đều là người gốc Chu Ru. Dẫu vậy, nhưng ông nổi tiếng khắp vùng là người thông minh đĩnh ngộ, tài năng xuất chúng, đặc biệt là tướng hình thể hiện rõ chân mệnh thiên tử trong tương lai.
Về sau, với tài năng xuất chúng ngài đã lọt vào mắt xanh của công chúa Po bia Thơn Chơn (con gái vua Chăm Islam Po Mưh Taha). Hai người nên duyên và ông trở thành phò mã và được vua Po Mưh Taha truyền vị khi tuổi về già.

Nói về cuộc đời và sự nghiệp của vua Po Rome là nói đến một câu chuyện vừa bi nhưng cũng vừa oai hùng. Cái bi tráng đa phần đều dính với cuộc hôn sự với công nữ Ngọc Khoa – người vợ thứ ba tên Bia Ut của nhà vua.
Nhiều truyền thuyết cho rằng vua Po Romé cưới công chúa Đại Việt vì ông ham mê sắc đẹp của nàng, nhưng thực tế đó chỉ là một động thái ngoại giao. Vì trong thời điểm cai trị của mình, vua Po Romé không chỉ cưới công chúa Đại Việt mà còn cưới vợ là người Ê-Đê để thắt chặt đoàn kết với các sắc dân vùng cao. Ngoài ra ông cũng kết hôn với công chúa của một tiểu quốc thuộc Mã Lai nhằm tạo nên liên minh với các quốc gia Đa đảo….
Một số tài liệu ghi chép năm 1653 Chúa nhà Nguyễn, Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc mang 3,000 quân đánh chiếm vùng đất còn lại của Champa từ Nha Trang đến Sông Phan Rang. Vua Po Rome bị bắt và bị nhốt vào rọ, bỏ đói bỏ khát trên đường đưa về Huế. Trên đường áp giải vua Po Rome về Huế, Po Rome đã tự tử.
Một số thành tựu vua Po Rome:
- Vua có công lao dẫn thủy nhập điền đối với quê hương, xứ sở, vì thế mà sau khi mất nhân dân tôn thờ ngài như một vị thần quan trọng trong tín ngưỡng Chăm. Cho đến hôm nay, những công trình thủy lợi này vẫn còn sử dụng cho hoạt động tưới tiêu của cư dân trong vùng cho thấy vai trò thiết yếu và công lao của người đã chỉ đạo khai mở những công trình ấy trong quá khứ.
- Phát triển ngôn ngữ Chăm: trước thời Po Romé, người Champa sử dụng chữ Phạn và Chăm cổ để ghi trên các bia ký ở đền, tháp, nhưng kể từ sau thời kỳ này một ngôn ngữ Chăm mới đã hình thành. Kể từ đó, chữ viết này không ngừng hoàn thiện, và được sử dụng phổ biến cho đến nay người Chăm vẫn còn sử dụng như một ngôn ngữ phổ thông.
- Thắt chặt liên kết giữa các tộc người, đoàn kết các dân tộc: điều này không chỉ được minh chứng qua sự kiện vua Po Romé kết hôn với một người gốc Radhe ( Ê Đê ), mà còn qua truyền thuyết về Po Nai (Nai Tang Riya Bia Tapah), theo một dị bản của truyền thuyết này, Po Nai là con của Po Romé, được ngài gả cho một chàng trai Raglai, chàng trai này rất có thể là một vị thủ lĩnh của người Raglai.
Po Rome có lẽ là vị vua cuối cùng của Champa, giữ vững được nền độc lập tự chủ đối với Đại Việt. Là người luôn lo lắng cho vận mệnh của đất nước của dân tộc.Đã có công xây dựng nền nông nghiệp vững mạnh, giúp dân chúng sống trong cảnh thanh bình trong hơn 20 năm. Và tháp Po Rome là một trong những công trình mà người dân tỏ lòng biết ơn đối với ông.
Bên cạnh đó, các bạn có thể lựa chọn các chương trình trải nghiệm Phan Rang nắng gió thật phù hợp với bản thân để không ảnh hưởng đến trải nghiệm và điều kiện mỗi đoàn – gia đình nhé. Để được tư vấn cụ thể khách yêu có thể nhắn tin trực tiếp qua Fanpage : Tour em Vinh Ninh Thuận
Xem thêm: Review món bánh căn ngon ” nhức nách ” tại Ninh Thuận
Khám phá thêm các địa điểm du lịch hấp dẫn tại: : Go – khám phá Ninh Thuận
Xem thêm: Review Chú Trọc Homestay Phan Rang – Ninh Thuận
Tự thiết kế chương trình đi chơi Ninh Thuận của anh chị tại đây